Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Hải Dương hồi 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17; vào khoảng ngày 19/10 bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ; đây là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng lớn, tỉnh Hải Dương khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão số 7 có thể gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để chủ động phòng, tránh. Sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa, bão theo kế hoạch. Hướng dẫn nhân dân tập trung thu hoạch nhanh lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bảo vệ cây trồng vụ đông mới trồng và cây ăn quả; các khu vực nuôi trồng thuỷ sản; phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông, các công trình, nhà cửa …xung yếu.
Kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, hồ đập đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các công trình đang thi công, các vị trí xung yếu để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời đảm bảo yêu cầu phòng chống mưa, bão.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án phòng chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa, rau màu, đặc biệt ở các vùng trũng và các khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung, thành phố Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô.
Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu.
Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho hồ đập, khu vực khai thác mỏ trên địa bàn.
Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, báo cáo kịp thời lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả.
Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, tin bài; thường xuyên thông báo diễn biến tình hình bão; làm tốt công tác thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và nhân dân chủ động phòng, tránh.
Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động kiểm tra và chỉ đạo việc triển khai công tác đối phó, khắc phục hậu quả mưa, bão.
Tổ chức việc thường trực, trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Nguồn: haiduong.gov.vn